Căn cơ gốc rễ và nội công quan trọng thế nào?
A Châu lại nói: “Ngày trước đại ca học nghệ nơi Huyền Khổ đại sư, hẳn còn nhỏ tuổi nên chưa học hết nội công tinh diệu của phái Thiếu Lâm. Nếu không thì Nhất Dương Chỉ của họ Đoàn Đại Lý chưa chắc đã lợi hại hơn Dịch Cân Kinh của Đạt Ma lão tổ. Thiếp từng nghe Mộ Dung lão gia bàn luận võ công thiên hạ, nói là võ công lợi hại nhất của họ Đoàn Đại Lý không phải là Nhất Dương Chỉ mà là Lục Mạch Thần Kiếm gì gì đó.”
Tiêu Phong nhíu mày đáp: “Phải rồi! Mộ Dung tiên sinh là bậc kỳ nhân trong võ lâm, quả nhiên kiến thức hơn đời. Vừa rồi ta lo âu không phải vì Nhất Dương Chỉ mà vì Lục Mạch Thần Kiếm.”
A Châu nói: “Hôm đó Mộ Dung lão gia và Mộ Dung công tử bàn luận võ công thiên hạ, thiếp đứng hầu trà, nghe được mấy câu. Mộ Dung lão gia nói: Bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, môn nào cũng có chỗ tinh diệu. Muốn khắc địch chế thắng thì chỉ một tuyệt kỹ là đủ, chẳng cần tới bảy mươi hai làm gì.” Tiêu Phong gật đầu: “Mộ Dung tiền bối luận rất đúng.”
A Châu nói tiếp: “Khi đó Mộ Dung công tử nói: Gia gia dạy chí phải. Vương cô mẫu cùng biểu muội vẫn tự khoe mình là biết võ công rộng nhất thiên hạ nhưng rộng mà không tinh phỏng có ích gì? Mộ Dung lão gia nói: Nói đến chữ tinh, không phải dễ dàng. Tuyệt học chân chính của phái Thiếu Lâm chỉ có một bộ Dịch Cân Kinh, luyện cho tinh thuần bộ kinh này thì những thế võ tầm thường đến đâu cũng biến thành kỳ diệu.”
Căn cơ vững chắc, nội công thâm hậu, thì bất luận chiêu thức tầm thường nào cũng phát huy được uy lực mãnh liệt, Tiêu Phong đã hiểu thế từ lâu. Hôm trước ở Tụ Hiền Trang độc đấu quần hùng, chàng chỉ dùng một pho Thái Tổ Trường Quyền ai cũng biết, mà các cao thủ hạng nhất thiên hạ đều phải khoanh tay bái phục. Lúc này ông nghe A Châu nhắc lại lời Mộ Dung tiên sinh, không khỏi nổi hứng uống luôn hai chén nữa, rồi nói: “Thật hợp ý ta! Thật hợp ý ta! Tiếc rằng Mộ Dung tiên sinh đã qua đời, không thì Tiêu Phong thể nào cũng tìm đến bái kiến bậc kỳ nhân trong thiên hạ.”
0 Nhận xét